HÌNH ÂM NHẠC

 

(PST 60)

1. Giác Quan Mới.

Trong cuộc tiến hóa của con người, ta phát triển thân xác, văn hóa, trí tuệ và tinh thần. Thân xác của ta tăng trưởng khả năng của nó để biểu lộ kết quả của diễn trình tiến hóa, và phát triển cảm quan này rồi kia. Thế thì cho tới nay con người đã tiến đến mức nào rồi ? Chúng ta đã sở hữu được quyền năng chi ?
Tôi xin vắn tắt duyệt lại vị trí của chúng ta tính đến lúc này. Chúng ta đã có được ngã thức về thân xác, tình cảm và trí tuệ; vì ta có thể nói một cách đúng thực rằng 'Tôi hành động, tôi cảm xúc, tôi suy nghĩ'. Chúng ta cũng đã phát triển ngũ quan như thị giác, thính giác v.v. Thời đại hiện nay được đặc biệt chú ý  vì giác quan thứ sáu, gọi là ngoại cảm (extra-sensory perception esp) bắt đầu tỏ lộ ở mức đáng chú ý. Giác quan mới này gồm có thông nhãn, thần giao cách cảm, tiên cảm (premonition), cảm thức về những trạng thái siêu hình và nhiều quan năng tâm linh khác.
Những quan năng có thêm này giúp được gì cho ta ? Chúng giúp được nhiều cách; và đặc biệt hơn là trong việc mở mang kiến thức, vì tuy những quan năng hiện thời của ta mở mang cho ta biết được nhiều điều về thế giới chung quanh, sự sống tự nó vẫn còn là một bí ẩn. Lấy thí dụ nhà thảo mộc học xem xét một bông hoa nhưng không hề hiểu được nó. Họ quan sát và xếp loại đài hoa, cánh hoa, nhụy đực nhụy cái, cành, lá, rễ, nhưng việc sinh sôi và tái tạo vẫn còn là một bí ẩn. Hiện tại không ai hiểu làm sao, tại sao và bằng cách gì một cái cây hoặc bất cứ hình thể sinh vật nào khác tăng trưởng từ cái mầm tí hon bên trong hạt giống, củ hay rễ cây.
Có giới hạn này vì hiểu biết ấy nằm ngoài tầm của năm giác quan và cái trí lý luận, đóng khung ta có hiện thời. Ta cần có những quan năng cao hơn để trực tiếp thấy Thiên Trí và sinh lực sáng tạo thực hiện phép lạ của chúng, là sự truyền giống và tăng trưởng. Ấy là lý do vì sao những quan năng như vậy quan trọng và sự phát triển được chúng có giá trị như thế nào.  Ta không cần phải cảm thấy tuyệt vọng trong việc tìm giải đáp cho bí ẩn lớn lao của sự sống, vì sự tiến hóa của con người còn phải lâu lắm mới thành tựu.

 

Giác quan thứ sáu và thứ bẩy.

Có hai giác quan mới nhiều phần nằm tiềm ẩn trong trí và não của nhân loại ngày nay. Những quan năng về tư tưởng trừu tượng, trực giác, thông nhãn và thông nhĩ đã bắt đầu chớm phát nơi con người thời này. MTTL dạy rằng trong những mẫu chủng tới, con người sẽ phát triển và sử dụng các quan năng này một cách tự nhiên như hiện này ta dùng ngũ quan đang có. Khi đó, và chỉ khi đó, những bí ẩn của sự sống, việc tăng trưởng và sinh sôi nẩy nở, sẽ được thấu rõ.
Có lẽ tới đây bạn muốn hỏi phần nào trong cơ thể sẽ là hai giác quan mới này, nhất là khi ngũ quan đã có các bộ phận chuyên môn cho chúng hoạt động. Vậy phần nào sẽ là, hay sẽ trở thành, cơ quan cho thông nhãn tích cực, thông nhĩ, tiên cảm đúng đắn và trực giác được kiểm soát có ý thức ? Chúng khác với những giác quan hiện thời ở điểm chúng nằm bên trong cơ thể thay vì ngoài mặt. Thực sự thì chúng ở bên trong não bộ, gồm có hai tuyến nhỏ đã được nghiên cứu rất nhiều về mặt cơ thể học và sinh lý học, gọi là tuyến não thùy (pituitary) và tùng quả tuyến (pineal).

2. Vật Chất và Chất Thanh (super-physical).

Quan năng thông nhãn có tri thức (có nghĩa việc quan sát bằng thông nhãn diễn ra trong lúc tỉnh thức như ông Hodson, khác với việc dùng thông nhãn trong lúc mê, tạm thời không có tri thức như ông Edgar Cayce và các người đồng) khi được người có luyện tập sử dụng, cho phép họ xem xét chính vật chất, nhất là những chất liệu thanh bình thường vô hình. Khi đó ta thấy rằng những trạng thái đậm đặc giảm dần từ khoáng chất cứng nhất đến chất hơi thanh nhất, còn tiếp tục vượt qua cõi trần. Vật chất thanh (super-physical) tới phiên nó lại xếp theo mức độ thanh nhẹ hơn và sự nối tiếp này kéo dài bất tận theo tâm thức hiện nay của người. Ở vài mức đậm đặc – mức ít thanh nhẹ nhất bên trên chất hơi – chất liệu này chịu ảnh hưởng của âm thanh vật chất, và những đáp ứng này là đề tài của cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của âm thanh của nhạc đối với chất cực thanh. Nhạc khí được sử dụng là đàn dương cầm, phong cầm và ban đồng ca nhà thờ.
Các thí nghiệm đầu tiên tìm cách xem xét ảnh hưởng của việc chơi đàn và hát từng nốt riêng rẽ, hình quan sát  kèm đây là những khám phá trong khi thí nghiệm. Nhạc được chơi liên tiếp nhau và trong lúc ấy, người quan sát mô tả ảnh hưởng của chúng đối với vật chất thuộc các cõi thanh. Việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, do vậy đa số bài nhạc phải được chơi tới lui nhiều lần; mà xin thưa rằng ngay cả khi làm vậy vẫn không thể nói ta có kết quả chính xác rõ ràng theo khoa học. Sự việc được thực hiện trong thập niên 1930, và ngoại trừ có chú ý nói chung cùng với hình vẽ tạo niềm thú vị, nó chưa có ứng dụng nào.
Ông C.W. Leadbeater, trong quyển Thought Forms, là người trước đây đưa ra ý tưởng rằng nhạc sinh ra hình thể bằng chất liệu cõi thanh, và có nhiều hình mô tả trong sách. Vì vậy tác giả quyển này không phải là người đưa ra hai quan niệm nói rằng chất thanh bên trên chất hơi hiện hữu trên địa cầu, và âm nhạc ảnh hưởng những chất liệu này theo nhiều cách. Tác giả hy vọng rằng những nhà nghiên cứu khác sẽ dùng thông nhãn trong lúc tự chủ và tỉnh thức hoàn toàn, để tiếp tục cuộc nghiên cứu như vậy.

3. Giới Thiệu.

Khó mà mô tả chính xác hình do âm nhạc sinh ra vì mỗi nốt, ngoài việc thêm phần của nó vào việc tạo nên hình, còn sinh ra ảnh hưởng riêng của nó ở cõi thanh. Có vẻ như ảnh hưởng của từng nốt riêng biệt xẩy ra độc lập với hình do việc kết hợp các nốt thành câu nhạc, hành âm và trọn bản nhạc, tuy chúng có chi phối hình dạng, mầu sắc và tính liền lạc của hình. Điểm khó khăn khác trong việc quan sát và mô tả còn do việc mỗi nốt và câu nhạc tiếp theo sẽ làm thay đổi ba điều vừa nói, và cho thêm đặc tính mới, vài đặc tính này tương đối giữ nguyên suốt buổi và vài nét khác có ảnh hưởng không kéo dài. Thêm vào đó, có một lực phát ra và tỏa từ trọn dây đàn – nhất là phần trên – mỗi lần ngân vang, sinh ra làn sóng mầu lan đi, trông giống như nước lấp lánh trong bầu không khí chung quanh.

Thay đổi về hình dạng xẩy ra liền liền cái này sau cái kia mau lẹ mỗi khi có nốt và câu nhạc được chơi, thế nên trước khi người quan sát có giờ nhìn ngắm kỹ một hình thì đã có hình khác chồng lên, mà cùng lúc ấy những hình mới có thể xuất hiện ở những chỗ khác của toàn hình. Cộng vào tất cả những điều này, âm thanh của bản nhạc tự nó còn làm người quan sát bị chia trí, nhất là nếu họ yêu thích âm nhạc; nó đôi khi làm cho hết sức khó mà chú tâm vào cõi thanh. Bởi vậy, không mô tả nào dưới đây được chính xác hoàn toàn, trọn vẹn, tuy nó mô tả được phỏng chừng hình dạng chính và ảnh hưởng của mầu sắc. Trong nhiều trường hợp, người ta phải chơi lại nhiều lần đề mục, câu, khúc và hành âm mới nắm được phỏng chừng hình dạng và phác họa sơ qua.
Việc nghiên cứu làm người ta khám phá một nguyên tắc thú vị. Đó là nhà soạn nhạc phát khởi và tạo dựng hình một phần từ tâm thức của ông trong lúc soạn, và một phần khi chính mình chơi nhạc khúc. Nó có nghĩa hình là sự biểu lộ bằng vật chất cõi thanh có phần nào là sự sáng tạo do ý tưởng và hứng khởi của nhà soạn nhạc, và phần khác là do tác động của âm thanh cõi trần lên vật chất cõi thanh.
Ý tưởng của nhà soạn nhạc và ảnh hưởng  của âm nhạc nơi cõi thanh hợp lại cho ra hình ban đầu, trong đó một phần sự sống và tâm thức của chân ngã ông đi vào làm linh động hình, cho nó có 'hồn', biến nó thành một thực thể tương đối trường cửu. Cho nên bất khi nào và ở đâu một nhạc khúc được chơi thì lập tức có sự hòa nhập với hình ban đầu của nhà soạn nhạc – và do vậy thông thương với sự sống và tâm thức của ông.
Nhờ khả năng cảm thị (psychometry, còn dịch là tâm kế là khả năng khi cầm một vật người nhậy cảm có thể biết những dữ kiện liên hệ với vật) ở cõi cao, khi một bản nhạc được tấu lên thì người quan sát bằng thông nhãn có thể tiếp xúc với hình ban đầu và nhà soạn nhạc. Thực vậy, dù có ý thức hay vô ý thức, nhạc sĩ chơi đàn tự động được kết nối với nhà soạn nhạc. Có vẻ như việc thành công trong nghệ thuật diễn giải một khúc nhạc tùy thuộc vào khả năng của người chơi đàn trong việc cảm thông và thể hiện sự sống và tâm thức nhà soạn nhạc, và qua đó, chủ ý của ông.
Những hình này, tạo bằng chất liệu cõi thanh, là mục tiêu chính cho việc nghiên cứu trong sách. Trong phần lớn trường hợp nhạc được chơi trên dương cầm hoặc phong cầm.

 

4. Giải Ca Khúc và Sắc Lấp Lánh bằng chất cõi trung giới.

Trước khi mô tả chi tiết những ảnh hưởng đặc biệt sinh ra khi chơi một bản nhạc, xin được trình bầy hai quan sát tổng quát. Đầu tiên là mỗi nốt, khi chơi hay hát lên, ngoài việc cho ra ảnh hưởng nhiều mặt rộng rãi, còn tạo nên một hình tiêu biểu bằng vật chất cõi thanh. Những hình này có mầu khi âm phát ra và kích thước của hình được xác định bằng quãng thời gian dài ngắn một nốt được chơi hoặc được hát lên ... Khi chơi một khúc nhạc hoặc hát một bản nhạc, những hình liên tiếp của mỗi nốt được nối lại với nhau khi chuỗi âm thanh phát ra liên tục. Khi việc chơi nhạc có gián đoạn thì nó sinh ra sự đứt đoạn trong chuỗi trước đây của những nốt nối tiếp nhau. Tôi gọi hiện tượng này là ‘Giải Ca Khúc – Song Ribbon', cho dù hiện tượng này cũng được thấy bất cứ khi nào có nhạc cụ chơi một ca khúc. Dầu vậy người ta dễ thấy những thay đổi về hình dạng khi hát lên các nốt này, do đó tôi mới đặt tên như trên.
Ảnh hưởng thứ hai là rung động có mầu của vật chất cõi trung giới chung quanh tác nhân phát ra âm thanh nơi cõi trần. Mức độ của ảnh hưởng này được thấy là tỷ lệ với âm lượng. Đây là hiện tượng đầu tiên mà người quan sát nhìn thấy ngay lúc một nốt hoặc một hợp âm được chơi, và được gọi là sắc lấp lánh bằng chất cõi trung giới. Hình vẽ mô tả ảnh hưởng của một hợp âm, trong đó mỗi nốt sinh ra mầu tương ứng.

Music Forms, G. Hodson.
(còn tiếp)

Xem các Bài về Âm Nhạc: